Nhựa sử dụng một lần đang âm thầm phá hủy toàn bộ môi trường và toàn bộ hệ sinh thái. Chúng len lỏi vào những khu chợ, siêu thị, nhà hàng, … và dần dần đã trở thành một thói quen, một điều tất yếu trong cuộc sống hiện đại.

Chúng ta đang hứng chịu một cuộc khủng hoảng kép: mất đa dạng sinh học và sự hoành hành nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Cụ thể hơn, thứ nhất, đó chính là sự suy giảm và biến mất của nhiều loài, đồng nghĩa với việc mạng lưới sự sống đang “tan rã” từng ngày. Thứ hai là hiện tượng nóng lên toàn cầu đang ở mức báo động khi mà tình hình bão lũ ngày một nhiều, lượng CO2 trong khí quyển tiếp tục tăng.
Thật sự mà nói, vấn đề về môi trường, về ô nhiễm, về biến đổi khí hậu đã được truyền thông rất nhiều trong những năm gần đây. Khẩu hiệu hô hào “bảo vệ môi trường” có ở khắp mặt báo, tivi, mạng xã hội,… thế nhưng vẫn chưa có một biến chuyển rõ rệt. Lý do là bởi mọi người chưa biết phải làm gì, phải bắt đầu từ đâu mặc dù biết “bảo vệ môi trường” là việc làm quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết, trong khi việc làm dễ dàng và thiết thực nhất chính là hạn chế nhựa sử dụng một lần.
Đánh đổi Sự sống – Môi trường để đổi lấy sự tiện lợi, điều đó có đáng hay không?
Văn hóa tiện lợi và chủ nghĩa tiêu dùng ngày càng phát triển đã khiến việc tiêu thụ các sản phẩm dùng một lần tăng vọt kể từ những năm 1970. Lượng chất thải thải ra hàng năm được dự báo sẽ tăng 70% vào năm 2050.
Chỉ đơn giản là vì sự tiện lợi từ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, còn người đang ngày ngày khiến sự sống, môi trường tự nhiên suy giảm cạn kiệt. Liệu cái giá đó có đắt hay không so với việc làm nhiễm độc không khí, nguồn nước, đất, ảnh hưởng đến toàn bộ thế hệ tương lai của các loài sinh vật, đặc biệt là con người.
Một ví dụ điển hình là khi các sản phẩm nhựa sử dụng một lần không được tái chế một cách hiệu quả, chúng sẽ được đưa đến bãi rác hoặc bãi chôn lấp, bị đốt cháy hoặc cuối cùng sẽ bị thải ra môi trường. Việc sản xuất và xử lý không đúng cách của chúng gây hại cho những nhóm dân cư thu nhập thấp, nhà cửa của họ thường nằm gần các nhà máy hoặc các bãi rác thải. Và thế là rác thải nhựa sử dụng một lần gây ô nhiễm, gây nhiễm độc cho toàn bộ khu dân cư, để lại nhiều hậu họa khôn lường.

Đáng buồn hơn, đã có đến 700 loài sinh vật biển đã được tìm thấy có nhựa trong đường tiêu hóa và hàng nghìn con vật chết vì ăn phải nhựa hoặc bị vướng vào cơ thể chúng. Không những vậy, nhựa sử dụng một lần có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch, do đó việc sản xuất nó góp phần tạo ra khí thải nhà kính, dẫn tới sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Vậy nên, hướng tới loại bỏ nhựa sử dụng một lần sẽ không chỉ giảm thiểu rác thải nhựa mà còn giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ rừng và ngăn chặn vi nhựa gây hại cho sinh vật biển.
Liệu giấy có phải vật liệu hoàn hảo để thay thế cho nhựa sử dụng một lần?

Một số tổ chức đã đề ra giải pháp thay thế nhựa sử dụng một lần bằng vật liệu giấy. Họ cho rằng, giấy có thể phân hủy sinh học và không phân rã ra vi nhựa làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Đó là điều rất đúng, nó không hề sai, tuy nhiên, nhìn nhận lại thì giấy được tạo ra từ cây, mà cây thì có từ rừng. Nếu vậy thì chúng ta đang giảm nhựa bằng cách phá rừng để sản xuất giấy liệu có phải là điều nên làm?
Có 1 điều mà ai cũng biết, hệ sinh thái rừng là không thể thiếu đối với “sức khỏe” của hành tinh và sự tồn tại của con người. Rừng là nơi sinh sống của hơn 80% đa dạng sinh học trên cạn của toàn thế giới và còn là “bể chứa” 30% lượng carbon, giúp ổn định khí hậu Trái đất. Không những vậy, sự đa dạng sinh học học của rừng còn cung cấp thực phẩm và còn là kế sinh nhai của hàng tỷ người trên toàn cầu.
Nghiêm trọng hơn, quá trình khai thác và sản xuất giấy góp phần tạo ra lượng khí thải carbon. Hơn nữa, việc phá rừng loại bỏ một trong những phương thức giảm thiểu biến đổi khí hậu hiệu quả nhất của chúng ta (rừng là bể chứa carbon) và môi trường sống của động vật hoang dã. Ba tỷ cây cối bị đốn hạ hàng năm để làm bao bì giấy. Con số này sẽ tăng 20% trong vòng 5 năm tới.
Do đó, việc thay thế nhựa sử sử dụng một lần bằng vật liệu giấy là không thực sự khả thi
Đến cuối cùng, đâu là giải pháp?

Tháng 2 năm 2021 vừa rồi, Thương hiệu Coca-Cola đã cho ra mắt dòng sản phẩm chai “recycle” làm từ nhựa tái chế rPET. Tuy nhiên, ý tưởng này bị vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề làm sao có thể đồng bộ hóa hệ thống thu gom khi mà lượng rác thải nhựa đang quá tải. Cho nên, “recycle” là câu câu chuyện không nằm ở vật liệu mà ở khâu thu gom.

Ở hướng đi tìm kiếm nguyên liệu thay thế, chúng chỉ thực sự hiệu quả khi vật liệu thay thế đó thực sự chất lượng, đáp ứng đầy đủ những tính năng của nhựa và đặc biệt là không được gây hại đến môi trường. Thật may mắn khi gần đây, những phát minh về nhựa phân hủy sinh học đã được nghiên cứu. Khả năng phân hủy sinh học của chúng đều được kiểm chứng bởi các tổ chức uy tin hàng đầu như TUV AUSTRIA, DIN CERTCO, ngay cả EU cũng đã có tiêu chuẩn riêng EN13432 cho nhựa phân hủy sinh học.
Đây quả thực là một thông tin đáng mừng khi chúng có thể thay thế hoàn toàn được nhựa truyền thống, từ đó giúp giảm thiểu sự ô nhiễm từ nhựa sử dụng một lần, từng bước trả lại màu xanh hy vọng cho mẹ thiên nhiên.