Rác thải nhựa vẫn luôn là vấn đề nhức nhối trong thời gian gần đây. Liệu ta nên đem chúng đi tái chế toàn bộ, cấm triệt để hay chấp nhận “sống chung với lũ”? Bài viết này sẽ cho những góc nhìn mới hơn về băn khoăn trên.

rác thải nhựa
Một khu tái chế rác thải ở Đông Nam Á

Phần lớn chúng ta đều nghĩ rác thải nhựa sẽ được đưa đến nơi tập kết rác sau đó tiến hành tái chế. Tuy nhiên, nghiên cứu trong bài viết này sẽ cho chúng ta thấy rằng, chính việc buôn bán, tái chế rác thải nhựa trên toàn cầu đã gây ra những vấn đề ô nhiễm như thế nào đối với môi trường và đặc biệt là đối với đại dương. Nguyên nhân là do sự rò rỉ rác thải nhựa trong quá trình tái chế tại các quốc gia đang phát triển. Đã có rất nhiều chính sách ngăn chặn việc xuất khẩu rác thải nhựa từ các nước phát triển với hy vọng rằng điều đó sẽ giảm áp lực ô nhiễm đến các quốc gia “dễ bị tổn thương”, tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu cho hành trình tái chế theo cách không gây hại cho thiên nhiên.

HIỂU RÕ VỀ RÁC THẢI NHỰA TÁI CHẾ

Rác thải nhựa thường được thu gom để xuất sang các nước Châu Á để tiến hành quy trình tái chế. Ở đó rác thải nhựa được phân loại, rửa sạch, cắt nhỏ, nấu chảy sau đó nén thành dạng sợi hoặc dạng viên. Cuối cùng, chúng được đưa đến các nhà máy, nhà sản xuất để tạo ra những loại sản phẩm mới.

rác thải nhựa
Thị phần các loại nhựa tái chế

Thị trường tái chế rác thải nhựa toàn cầu bị “thống trị” bởi 2 loại nhựa chính:

  • Polyethylene terephthalate (PET) (ký hiệu số “1”): chiếm 55% thị trường nhựa tái chế. Nó được sử dụng làm chai nước giải khát hoặc các loại hộp đựng đồ ăn mang đi.
  • Polyethylene mật độ cao (HDPE) (ký hiệu số “2”): chiếm 33% phần trăm thị trường nhựa tái chế. HDPE được sử dụng làm ống nước, bao bì của các loại hộp sữa, dầu gội đầu.
rác thải nhựa
Các sản phẩm làm từ nhựa PET ký hiệu số “1”

Kế đến là hai loại nhựa phổ biến tiếp theo, mỗi loại chiếm 4% thị trường

  • Polypropylene (PP) (ký hiệu số “5”) thường dùng để làm các hộp sữa chua,…
  • Polyetylen mật độ thấp (LDPE) (ký hiệu số “4”) được dùng làm màng nhựa trên các loại bao bì.

Các loại nhựa còn lại bao gồm:

  • Polyvinyl clorua (PVC) (ký hiệu số “3”)
  • Polystyrene (PS) (ký hiệu số “6”)
  • Nhựa hỗn hợp khác (ký hiệu số “7”)
  • Nhựa composite

Nhóm nhựa cuối cùng này không có nguồn gốc từ nguyên liệu thô (raw materials) do đó rất khó tái chế và không đem lại giá trị cao cho nhà đầu tư. Chúng được gọi là nhóm nhựa tái chế có giá trị thấp. 

SỰ THẤT BẠI CỦA NỀN CÔNG NGHIỆP TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA

1. Khó khăn trong khâu quản lý

Vào tháng 1 năm 2018, Trung Quốc đã chính thức ban hành luật cấm nhập khẩu rác thải nhựa để ngăn chặn việc tiếp nhận phế thải nhựa có giá trị thấp và góp phần kích thích sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế trong nước. 

Sau lệnh cấm của Trung Quốc, hàng loạt những tấn rác thải nhựa đã bị đổ dồn đến các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Ngoài ra, thống kê năm 2019 cho thấy Châu Âu, Nhật Bản và Mỹ chính là những quốc gia xuất khẩu phế thải nhựa nhiều nhất thế giới.

rác thải nhựa
Bản đồ xuất nhập khẩu rác thải nhựa trên trên thế giới

Theo các chuyên gia nghiên cứu, sự rò rỉ của rác thải nhựa hầu hết đều xảy ra ở các nước nhập khẩu thay vì ở nơi quá cảnh hoặc ở chính các quốc gia đã xuất khẩu chúng. 

Đi sâu vào vấn đề, tại Đông Nam Á, thường chỉ có những Công ty tái chế đã được cấp phép mới có quyền được nhập khẩu chất thải nhựa. Tuy nhiên do số lượng rác thải nhựa phát sinh quá lớn, gây ra tình trạng quá tải nên chúng đã bị đem đến những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không được cấp phép. Trong quá trình tái chế ở nơi này, những mảnh nhựa nhỏ sẽ bị thải trực tiếp xuống các ao hồ, sông suối, từ đó theo dòng nước tràn xuống biển, gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đại dương.

rác thải nhựa
Một bãi tập kết rác tại Châu Á 

Đối với nhóm chất thải nhựa giá trị thấp, khó tái chế thường sẽ bị chôn lấp ở bãi rác, xả xuống sông hồ hoặc đem đi đốt. Từ đó ra gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều khu dân cư ở các quốc gia “dễ bị tổn thương”. Không những vậy, rác thải nhựa khi bị đốt sẽ sinh ra loại khí rất độc, gây nên các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp thậm chí là ung thư.Đấy là còn chưa kể đến việc các chất thải đó theo thời gian sẽ bị phân rã thành các hạt vi nhựa rồi lẫn vào đất, nước sông, nước biển và cuối cùng xuất hiện trong thức ăn của con người vì các sinh vật trong tự nhiên đã tiêu hóa chúng.

2. Khó khăn về giá

rác thải nhựa
Nhựa HDPE được ứng dụng cao trong vỏ chai dầu gội

Trong những năm gần đây, giá của nhiều loại nhựa tái chế đã bị giảm khá mạnh vì những nguyên nhân liên quan đến cung vượt quá cầu, luật hạn chế nhập khẩu, ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu và giá dầu thế giới giảm.

Một phần là do công nghệ tái chế hiện đại vẫn còn chưa phổ biến dẫn tới những chất bẩn trên chất thải nhựa vẫn còn tồn đọng, khiến cho chất lượng sản phẩm bị giảm đáng kể.

Có những thời điểm giá nguyên liệu nhựa tái chế giảm xuống mức $0, điển hình là ở Úc trong năm 2021 khiến cho hàng nghìn tấn rác thải nhựa đành phải chịu cảnh chôn lấp xuống lòng đất. 

ĐÂU LÀ HƯỚNG ĐI MỚI CHO VIỆC TÁI CHẾ RÁC THẢI NHỰA?

Nhiều chuyên gia đã đề xuất những giải pháp nhằm hạn chế sự rò rỉ của rác thải nhựa trong quá trình tái chế bằng các hoạt động sau:

  • Làm tốt khâu phân loại rác thải nhựa ở các nước xuất khẩu
  • Kiểm soát quá trình xử lý và giám sát những điểm vận chuyển  rác thải nhựa 
  • Kiểm tra kỹ những lô hàng xuất khẩu

Tuy nhiên, những việc làm trên hoàn toàn không thể giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường khi mà dân số thế giới tăng lên kéo theo đó là sự gia tăng về nhu cầu sử dụng nhựa, và cứ thế nhựa bị sản xuất ồ ạt, mất kiểm soát, gây áp lực lớn đến ngành công nghiệp tái chế. 

Vậy nên điều cốt lõi là phải kiểm soát ngay từ đầu trong khâu sản xuất nhựa chứ không phải đợi đến khi tình trạng rác thải nhựa báo động thì lại bắt đầu lên án, vạch ra cái sai ở khâu tái chế thu gom. Những nhà sản xuất, người dân và chính phủ cần có những biện pháp giải quyết ngay phần gốc của vấn đề như sử dụng nhựa phân hủy sinh học nhằm thay thế nhựa truyền thống, hạn chế việc sử dụng nguyên liệu nhựa giá trị thấp, khó tái chế. Có như thế, tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, ô nhiễm đại dương mới dần được cải thiện. 

Nguồn: Tổng hợp The Conversation

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *