Xu hướng sử dụng vật liệu “xanh” đang diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Điển hình là sản phẩm nhựa phân hủy sinh học đang dần dần thâm nhập thị trường nhựa PE/PP truyền thống tại Việt Nam, cho thấy được nhiều tiềm năng phát triển của loại vật liệu mới này là rất lớn.
Đánh giá nhu cầu phát triển nhựa phân hủy sinh học tại Việt Nam
- 63kg là sản lượng tiêu thụ nhựa bình quân mỗi người
- 6 triệu tấn là tổng sản lượng nhựa tiêu thụ Việt Nam năm 2019
- 90% là tỉ lệ mà rác thải nhựa không được tái chế
Nhìn chung, ngành công nghiệp nhựa ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh, tuy nhiên, làm thế nào để giảm con số tỉ lệ rác thải nhựa không được tái chế vẫn là bài toán chưa có lời giải đáp hoàn chỉnh.
Về cơ cấu tiêu thụ nguyên liệu nhựa truyền thống ở Việt Nam thì PP, PE và PET hiện vẫn đang chiếm tỉ trọng lớn nhất với lượng tiêu thụ trong năm 2019 lần lượt đạt khoảng 2 triệu tấn, 1,7 triệu tấn và 150 nghìn tấn.
Ngoài ra, trong cơ cấu sử dụng của ngành nhựa Việt Nam, nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên đến 36%. Do đó, nếu có thể thay thế được một phần các loại nhựa này thì tiềm năng sử dụng nhựa sinh học tại Việt Nam tương đối lớn.
Ước tính với tỷ lệ nhựa sinh học của thế giới là khoảng 1%, thì tổng nhu cầu nhựa sinh học của Việt Nam sẽ khoảng 60 nghìn tấn mỗi năm. Sản lượng này là khá lớn và với tốc độ tăng trưởng nhu cầu nhựa hàng năm của Việt Nam vào khoảng 10,8% một năm.Vậy nên, tiềm năng phát triển của nhựa sinh học Việt Nam là rất đáng kể.
Những loại nhựa phân hủy sinh học có khả năng phát triển cao ở Việt Nam
Trong 3 nhóm Nhựa sinh học (Bioplastic):
- Nhóm 1: Nhựa có nguồn gốc sinh học (bio-based plastic)
- Nhóm 2: Nhựa phân hủy sinh học (biodegradable plastic)
- Nhóm 3: Nhựa có nguồn sinh học và có thể phân hủy sinh học (bio-based and biodegradable plastic)
Thì nhóm 3 sẽ được ưu tiên phát triển hơn vì kết được khả năng phân hủy sinh học từ nguyên liệu có nguồn gốc sinh học.
Kết quả nghiên cứu sơ bộ về thị trường cho thấy PLA thuộc nhóm 3 được sử dụng nhiều nhất trong các loại nhựa sinh học (bioplastic) và trong tương lai PLA sẽ tiếp tục được khuyến khích sản xuất và sử dụng.
Kế đến ở vị trí sử dụng nhiều thứ hai sau PLA là nhựa PBAT (thuộc nhóm 2) bởi đặc tính kỹ thuật tương tự nhựa LDPE
Cuối cùng, với nhóm 1, dù sở hữu nguồn gốc từ sinh học, kỹ thuật sản xuất không quá phức tạp, giá thành cạnh tranh và được sử dụng tương đối nhiều, thế nhưng do đặc tính không phân hủy sinh học nên khó được thị trường chấp nhận.
Ngoài ra, Một số nghiên cứu gần đây cho rằng PHA có tiềm năng phát triển trong tương lai khi chỉ sử dụng được nguồn vật liệu là CO2 trong khí quyển và H2 sản xuất từ năng lượng tái tạo.
Đánh giá khả năng sản xuất nhựa phân hủy sinh học tại Việt Nam
Đối với nhóm 1: Nhựa có nguồn gốc sinh học (bio-based plastic)
Việc sản xuất ra các vật liệu nhựa như Bio-PE, Bio-PP, Bio-PET tương đối dễ thực hiện và hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật vì nó không có sự khác biệt về tính chất nguyên liệu. Hơn nữa, vị trí các nhà máy lọc dầu phân bổ khắp cả nước, điển hình là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Hyosung.
Tuy nhiên, dự kiến giá thành sản xuất nguyên liệu này sẽ cao do hiện tại Việt Nam chưa phát triển nền công nghiệp nhựa sinh học nên việc sản xuất sản phẩm Bio-PE, Bio-PP sẽ khó cạnh tranh so với sản phẩm Bio-PE, Bio-PP nhập khẩu. Ngoài ra, sản phẩm Bio-PE, Bio-PP dự kiến sẽ gặp trở ngại trong việc thâm nhập thị trường Việt Nam dưới danh nghĩa là nhựa sinh học bioplastic vì sản phẩm cuối không khác gì PE/PP thông thường.
Đối với nhóm 2: Nhựa phân hủy sinh học (biodegradable plastic)
Việc nghiên cứu và tìm kiếm sản phẩm để phát triển, thay thế nhựa truyền thống sẽ phù hợp với nhu cầu thị trường Việt Nam hơn vì:
- PBAT, PBS là các loại nhựa nổi trội, sử dụng nhiều trong lĩnh vực bao bì và may mặc, do đó, có thể xem là những loại nhựa tiềm năng thay thế cho PE và PP.
- PEF cũng là loại sản phẩm có thể được chú trọng, xem xét nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ vì có thể thay thế PET trong tương lai.
Để có thể sản xuất các sản phẩm này tại Việt Nam, cần xem xét đánh giá xây dựng nhà máy mới hoàn toàn bởi vì các nhà máy sản xuất nhựa PE/ PP truyền thống như hiện nay không thể cải tiến và thay đổi để sản xuất ra sản phẩm nhựa nhóm 2 này.
Đối với nhóm 3: Nhựa có nguồn sinh học và có thể phân hủy sinh học (bio-based and biodegradable plastic)
Đầu tiên, các nhà máy hoàn toàn có thể sản xuất linh động đồng thời 2 loại sản phẩm (bioethanol và PLA) hoặc chỉ một loại sản phẩm (bioethanol hoặc PLA) tùy theo nhu cầu thị trường và hiệu quả mang lại cho nhà máy. Vậy nên về mặt nhà máy sản xuất, chúng ta sẽ không tốn quá nhiều chi phí để chuyển đổi.
Thứ hai, ngành Nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn ở Việt Nam thế nên sẽ rất thuận lợi trong việc có được nguồn cung nguyên liệu sinh học lâu dài và ổn định như bã cà phê, bã mía, xơ dừa, tinh bột.
Cuối cùng, thị trường của ngành công nghiệp sản xuất nhựa sinh học vẫn còn rất mới, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, ít đối thủ cạnh tranh. Hiện nay, hầu hết các phân xưởng chế biến nhựa sinh học ở Việt Nam vẫn đang hoạt động dưới hình thức phối trộn các nguyên vật liệu để sản xuất nhựa/sản phẩm nhựa có khả năng phân hủy sinh học.
Kết luận
- Nhu cầu nhựa của Việt Nam tương đối lớn và đang tăng trưởng nên việc xem xét khả năng đầu tư sản xuất nhựa sinh học là rất đáng quan tâm
- Nhóm nhựa sinh học tiềm năng phát triển nhất hiện nay là PLA và PBAT.
Qua những phân tích và đánh giá trên, cơ hội để đầu tư vào thị trường nhựa sinh học đầy tiềm năng này là rất lớn khi mà xu hướng sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường ngày nhiều và đã có sự thắt chặt hơn về biện pháp hạn chế việc sản xuất nhựa PE/PP truyền thống ở các quốc gia như Pháp, Úc, Canada,…
Nguồn: Tổng hợp